Bản đồ hành chính xã Ninh Ích
Vùng đất Ninh Ích ngày nay có lịch sử hình thành rất và phát triển từ rất sớm khi thành lập phủ Thái Khang (tinh Khánh Hòa ngày nay). Những xóm làng di tụ đầu tiên trên vùng đất này ở vùng đồng bằng có 3 thôn Tân Phú, Phú Lộc (Phú Hữu), Vạn Phước (Vạn Thuận), vùng ven biển có thôn Ngọc Diêm thuộc tổng Hạ sau này đổi thành tổng Ích Hạ, huyện Tân Định. Cư dân là người Kinh, sống bằng nghề làm ruộng, làm vườn và chài lưới. Dưới thới chính quyền Sài Gòn (1955 - 1975) thành lập xã Vĩnh Ích thuộc quận Vĩnh Xương. Năm 1970 dân số xã Vĩnh Ích có 2.972 người(4). Sau năm 1975 dân số xã Ninh Ích có trên 4.000 người đến năm 2010 toàn xã có 1.925 hộ, 8.385 nhân khẩu.
Hình thành tỉnh Khánh Hòa, chúa Nguyễn tổ chức một cuộc di dân các tỉnh phía Bắc phần lớn là Quảng Nam, Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên bằng nhiều con đường khác nhau đã đến định cư hình thành những cộng đồng dân cư ở vùng đất mới này. Với điều kiện địa lý tự nhiên có biển, có đầm, đường bộ đi lại khó khăn, cách trở, con đường đến xã Ninh Ích của người dân lúc bấy giờ có thể bằng ghe bầu đi theo đường biển đến ở khu vực thôn Ngọc Diêm ven đầm Nha Phu và đường đất đến vùng đồng bằng phía Nam đèo Rọ Tượng. Từ đó, cư dân sống bằng nghề nông khai hoang, vỡ đất làm ăn sinh sống hình thành làng xóm là các thôn: Tân Phú, Phú Hữu, Vạn Phước (Vạn Thuận). Những cư dân sống bằng nghề chài lưới bám trụ tại vùng đất Ngọc Diêm. Các thôn Ngọc Diêm, Tân Phú, Phú Hữu, Vạn Phước là những cộng đồng dân cư được hình thành sớm của huyện Ninh Hòa.
Xã Ninh Ích là một xã ven biển, nằm về phía Nam thị xã Ninh Hòa, cách trung tâm thị xã 13 km, cách thành phố Nha Trang 17 km về hướng Bắc, nằm trên trục giao thông quốc gia là Quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam.
Phía Bắc giáp xã Ninh Lộc, phía Nam giáp xã Vĩnh Lương (thành phố Nha Trang), phía Đông giáp biển (đầm Nha Phu), phía Tây giáp huyện Diên Khánh.
Diện tích tự nhiên 6.103,8 ha. Đất nông nghiệp 3.624,8 ha, trong đó đất trồng lúa và đất màu 492,5 ha, đất trồng cây hàng năm 361,2 ha , đất lâm nghiệp 2.282,2 ha, đất nuôi trồng thủy sản 250 ha, đất phi nông nghiệp 312,3 ha, đất chưa sử dụng 2.166 ha.
Xã Ninh Ích là vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành kinh tế. Buổi đầu mới đến định cư ở vùng đất này, dân cư còn thưa thớt, phân tán. Nhưng để thích nghi với điều kiện sản xuất và cuộc sống, người dân ở vùng đồng bằng đã đoàn kết cùng nhau khai sơn, phá thạch, san gò, lấp trũng thành những cánh đồng trồng lúa nước. Ba mặt là rừng núi, người dân phải chóng chọi với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ, thú dữ để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Trong thời Pháp thuộc, ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến đè nặng lên đôi vai của người nông dân lao động một nắng hai sương với sưu cao thuế nặng. Ruộng đất do người dân khai phá đều bị vơ vét vào các tầng lớp có thế lực, cường hào, địa chủ, tổng lý phát canh thu tô để làm giàu riêng gia đình họ. Người nông dân lao động trở thành tầng lớp tá điền làm thuê cho chúng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cuộc sống thiếu thốn, cơ cực.