Kinh tế:
Xã Ninh Ích là vùng đất giàu tiềm năng, thế mạnh để phát triển các ngành kinh tế. Buổi đầu mới đến định cư ở vùng đất này, dân cư còn thưa thớt, phân tán. Nhưng để thích nghi với điều kiện sản xuất và cuộc sống, người dân ở vùng đồng bằng đã đoàn kết cùng nhau khai sơn, phá thạch, san gò, lấp trũng thành những cánh đồng trồng lúa nước. Ba mặt là rừng núi, người dân phải chóng chọi với thời tiết khắc nghiệt, thiên tai bão lũ, thú dữ để tồn tại và phát triển đến ngày nay. Trong thời Pháp thuộc, ách thống trị của chế độ thực dân, phong kiến đè nặng lên đôi vai của người nông dân lao động một nắng hai sương với sưu cao thuế nặng. Ruộng đất do người dân khai phá đều bị vơ vét vào các tầng lớp có thế lực, cường hào, địa chủ, tổng lý phát canh thu tô để làm giàu riêng gia đình họ. Người nông dân lao động trở thành tầng lớp tá điền làm thuê cho chúng, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, cuộc sống thiếu thốn, cơ cực.
Người dân ở các vùng đất ven biển sống bằng nghề chài lưới đánh bắt hải sản với phương tiện là xuồng chèo, ghe bầu thô sơ, sản phẩm làm được đổi lấy hàng hóa, lúa gạo nuôi sống gia đình. Ngư dân cũng phải đối mặt với sóng to, gió lớn hiểm nguy không thể lường trước được. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, địch khủng bố và kiểm soát gắt gao vùng biển đầm Nha Phu, nghề làm biển của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, người dân ở Hòn Cóc phải chuyển vùng đi nơi khác làm ăn.
Đến sau ngày giải phóng 30/4/1975, ruộng đất được cấp cho nhân dân sản xuất làm ra của cải cho xã hội và giải quyết cuộc sống. Nghề khai thác biển từng bước được khôi phục và phát triển mạnh mẽ.
Văn hóa, xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo:
Dưới chế độ thực dân, phong kiến, chúng dùng chính sách ngu dân để cai trị, toàn huyện Tân Định chỉ có 1 trường Tiểu học Pháp - Việt ở thôn Vĩnh Phú, xã Ninh Hiệp (nay là phường Ninh Hiệp) và một số ít xã có trường làng. Xã Ninh Ích lúc bấy giờ không có trường học, người dân không được đi học phải chịu mù chữ. Sau năm 1945 có 1 trường Tiểu học tại thôn Phú Hữu dạy đến lớp ba, học sinh muốn học lên lớp nhì, lớp nhất (cách xếp lớp học lúc bấy giờ) phải ra học ở trường Pháp - Việt Ninh Hòa. Từ năm 1954 đến năm 1975, chính quyền Sài Gòn xây dựng 3 điểm trường Tiểu học bằng gạch ngói. Điểm trường Phú Hữu có 5 phòng học, Ngọc Diêm có 5 phòng học, Tân Thành có 2 phòng học. Học sinh học cấp II, cấp III phải ra Ninh Hòa hoặc vào Nha Trang để học. Xã không có cơ sở y tế, người dân đau bệnh phải tự điều trị bằng Đông y, thuốc nam hoặc mê tín cúng bái. Trong chế độ Sài Gòn có 1 trạm xá tại thôn Phú Hữu để để sơ cấp cứu và hộ sinh. Sau ngày 30/4/1975, chính quyền cách mạng quan tâm đến công tác giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đến năm 2010, hệ thông giáo dục địa phương phát triển đồng bộ 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Cơ sở y tế có 1 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế với trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Đa số người dân Ninh Ích có đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú, luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Điều này được thể hiện trong phong tục thờ cúng ông bà, tổ tiên, lễ hội đình làng, tưởng nhớ các bậc Tiền Hiền, những người có công với đất nước. Buổi đầu mới đến lập nghiệp ở vùng đất mới còn hoang sơ, gặp nhiều khó khăn, người dân ở đây có tâm linh tin vào các lực lượng siêu nhiên, thần thánh theo quan niệm “vạn vật hữu linh” cầu mong thần thánh ban phúc, lưu ân cho làng xóm được mưa thuận, gió hòa, quốc thái, dân an. Người dân xây dựng đình, miếu để thờ thần Thành Hoàng, thờ các vị thần như bà Thiên Y A na, bà Đại Càn Quốc gia Nam Hải, thờ Tiền Hiền. Nhân dân vùng biển còn phụng thờ Ông Nam Hải để cầu cho sóng lặng biển êm. Hiện còn lưu giữ trong các sắc văn ở đình, miếu các thôn trong xã và tấm bia ký do quan Thị độc Học sĩ sung Điển nông sứ Phan Trung dựng tại miếu Đá Đen năm 1872. Lễ hội Đình làng là nét văn hóa tín ngưỡng tâm linh thu hút được nhiều người dân trong xã tham gia.
Xã Ninh Ích có 3 tôn giáo đang hành đạo đó là Phật giáo, Tin lành, Hòa hảo. Đạo Phật du nhập vào xã sớm nhất. Toàn xã có 4 chùa là chùa Phú Quang (thôn Phú Hữu), chùa Ngộ Minh (thôn Tân Đảo), chùa Ngọc Lâm (thôn Ngọc Diêm), chùa Phước Thiện (thôn Tân Thành). Đạo Tin lành được truyền vào xã khoảng năm 1967, có một nhà nguyện tại thôn Phú Hữu. Đạo Hòa hảo hành đạo tại thôn Ngọc Diêm được truyền từ các tỉnh miền Tây Nam bộ vào xã Ninh Ích sau năm 1975, hiện có một cơ sở Văn phòng Ban Trị sự tại thôn Ngọc Diêm./.
(Theo Lịch sử cách mạng xã Ninh Ích giai đoạn 1930 - 2010)
|